Cách tinh chỉnh đồ họa máy tính

Hiểu những thông số kỹ thuật, những tùy chỉnh rối rắm, phức tạp của trình điều khiển card đồ họa cùng một số thủ thuật giúp bạn tận dụng tốt hơn sức mạnh đồ họa máy tính.


  • Các thiết lập hiển thị
    Nhiệm vụ quan trọng nhất của GPU là xử lý và xuất hình ảnh đến màn hình thông qua cổng giao tiếp như DisplayPort, HDMI, DVI hoặc VGA. Nhiệm vụ này sẽ phức tạp hơn nếu máy tính của bạn sử dụng 2 hoặc 3 màn hình cùng lúc; thậm chí nếu chỉ có 1 màn hình, bạn vẫn cần điều chỉnh một vài thông số để tối ưu hình ảnh hiển thị.


    Nếu kết nối đến HDTV qua giao tiếp HDMI, bạn cần chỉnh độ phân giải phù hợp để tránh tình trạng Overscan; lỗi phát sinh khi độ phân giải hình ảnh GPU xuất ra không trùng với độ phân giải màn hình, gây hiện tượng mất chi tiết các góc hình ảnh hiển thị. Các TV đời cũ và thậm chí một số dòng HDTV hiện nay cũng có thể gặp trường hợp này.

    AMD và Nvidia đều để người dùng tự điều chỉnh độ phân giải phù hợp đồng thời hãng cũng bổ sung nhiều tùy chọn khác, chẳng hạn Nvidia thêm vào “control panel” một tính năng gọi là “synch width”. Trong hầu hết các trường hợp, bạn có thể bỏ qua các thông số khó hiểu. Tuy nhiên nếu sử dụng TV đời cũ, có thể bạn cần tinh chỉnh đôi chút, như “front porch”, một thông số dành cho video analog có ảnh hưởng đến thời gian giữa dòng quét hiển thị cuối cùng và xung đồng bộ tiếp theo từ GPU đưa đến.

    Một thông số quan trọng khác là tỷ lệ khung hình (aspect ratio). Các game và TV cũ thường chỉ hỗ trợ tỷ lệ 4:3 như 640x480 pixel hoặc 1024x768 pixel. Khi hiển thị trên màn hình rộng (widescreen), hình ảnh sẽ bị kéo giãn theo độ rộng màn hình, trông không được tự nhiên. Trong khi một số màn hình cho phép bạn thay đổi aspect ratio trực tiếp thì việc sử dụng GPU “control panel” sẽ giúp công việc đơn giản hơn, đảm bảo các thiết lập vẫn được giữ nguyên cả khi thay màn hình mới.

    Trong GPU “control panel”, tùy chọn đầu tiên của thông số này giúp tỷ lệ hình ảnh của nguồn phát không thay đổi ngoài việc phóng to hình ảnh để lấp đầy khoảng trống trên màn hình; sẽ xuất hiện thanh cuộn bên phải hoặc bên dưới trong trường hợp sử dụng màn hình tỷ lệ 4:3. Đây là thiết lập thường được sử dụng. Tùy chọn thứ hai là “full screen” (Nvidia) hay “scale image to full panel size” (AMD) được kích hoạt mặc định, tuy bạn vẫn có thể thay đổi theo cấu hình cá nhân. Nvidia gọi tùy chọn thứ 3 là “no scalling” trong khi AMD là “use centered timings”. Trường hợp này xảy ra khi bạn cố gắng hiển thị độ phân giải 640x480 pixel trên màn hình độ phân giải cao hơn (2560x1600 pixel chẳng hạn). Kết quả nhận được là hình ảnh hiển thị sẽ nằm giữa màn hình và đúng kích thước dù một số người dùng cảm thấy không hài lòng.

    Nếu đang sử dụng một màn hình rộng có “tuổi đời” trên 5 năm, bạn có thể bỏ qua các thông số chuyên biệt khác về tỷ lệ khung hình hiển thị.
  • 2
    Cân chỉnh màu sắc hình ảnh
    GPU “control panel” cũng bao gồm các thông số điều chỉnh màu sắc cho hình ảnh và video hiển thị và chúng được tách riêng do cách xử lý màu của card đồ họa và trình phát video khác nhau. Cũng cần lưu ý là việc cân chỉnh bằng phần mềm nói chung thường không toàn diện do kết quả đa phần phụ thuộc vào cảm quan mỗi cá nhân, có thể không sát với thực tế.

    Đối với đồ họa Nvidia, bạn có thể thiết lập ứng dụng quản lý màu sắc hình ảnh hiển thị hoặc dùng “control panel” của card đồ họa để thay đổi. Ngoài các công cụ cân chỉnh màu sắc, nếu bạn sử dụng màn hình cao cấp tích hợp sẵn các nút để thay đổi màu sắc phức tạp, tốt nhất là sử dụng chúng sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn. Ngược lại, nếu màn hình không có (hoặc có ít tùy chọn), hãy sử dụng Nvidia control panel.

    AMD chia phần quản lý sắc màu hình ảnh hiển thị thành 2 mục. Đầu tiên là quản lý màu sắc tổng quát, áp dụng chung cả cho kết nối analog (cổng VGA) và digital (DisplayPort, HDMI, DVI), các thay đổi này chỉ xảy ra trong phạm vi card đồ họa. Mục thứ hai nằm dưới “Digital Flat Panels” sẽ thay thế các giá trị tín hiệu số xuất qua các cổng DisplayPort, DVI hoặc HDMI. Nó cũng cho phép bạn quản lý nhiệt độ màu (color temperature). Đối với hầu hết các video, thông số màu sắc chỉ cần điều chỉnh ở ngưỡng 6500K (độ Kelvin) là được nhưng nếu muốn chính xác hơn, bạn cần phải cân chỉnh trực tiếp trên màn hình.
  • 3
    Chất lượng và màu sắc video
    Nếu sử dụng phần mềm trình chiếu video của hãng thứ ba như CyberLink’s Power DVD, bạn đọc có thể tận dụng các công cụ tinh chỉnh đồ họa có sẵn trong đó. Tuy nhiên hầu hết người dùng không sử dụng những công cụ nâng cao này để xem phim ảnh trực tuyến, vì vậy việc tìm hiểu cách GPU “control panel” xử lý video như thế nào là cần thiết.


    Nvidia thiết lập sẵn 3 tab điều chỉnh màu sắc video gồm basic color, gamma và advanced color. Nếu chưa nắm rõ, hãy thay đổi các giá trị thiết lập từng chút một và đặc biệt chú ý đến thông số gamma (gamma giúp thay đổi sắc độ màu dựa trên sự khác biệt giữa các tín hiệu video và nhận thức của con người về màu sắc trong một căn phòng đủ ánh sáng) bởi hãng không cung cấp sẵn các hướng dẫn trên màn hình. “Control panel” của AMD có các tính năng quản lý tốt hơn, mặc dù chúng chỉ là bản sao của những gì xuất hiện trong menu của HDTV, chẳng hạn các thông số vivid hoặc theater… Lưu ý một lần nữa là chỉ nên tinh chỉnh những thứ cơ bản và những gì mà bạn nắm vững, điều này sẽ tránh được những rắc rối phát sinh sau này.

    Thông số chất lượng hình ảnh giúp giải quyết các vấn đề như độ nhiễu khi video được quay trong điều kiện thiếu sáng. Hầu hết các thông số Nvidia cung cấp ở dạng cơ bản, có thể điều chỉnh để tăng cường độ nét đường viền chủ thể (edge enhancement), giảm độ nhiễu (noise reduction), loại bỏ các khung hình thừa (inverse telecine) hoặc giảm thiểu các hiệu ứng do quá trình interlaced gây ra (deinterlacing).

    Như chúng ta đã biết, mỗi quốc gia đều có quy chuẩn phát video khác nhau, vì vậy GPU phải có khả năng xử lý được một loạt các chuyển đổi tỷ lệ khung hình. Chẳng hạn chuẩn video hệ PAL phổ biến ở châu Âu, châu Á (trừ Nhật) có tốc độ truyền là 25 fps (khung hình mỗi giây), chuẩn video hệ NTSC phổ biến ở Bắc Mỹ và Nhật là 30 fps trong khi hầu hết các đoạn video, phim ảnh được quay ở mức 24 fps. Giải pháp bổ sung một số khung hình thiếu để đạt tốc độ 30 fps được gọi là Telecine 3:2 pulldown và ngược lại, quá trình loại bỏ những khung hình thừa gọi là Inverse Telecine.
    Nếu phần mềm trình chiếu video không hỗ trợ, bạn cần kích hoạt tính năng giảm độ nhiễu và inverse telecine trong GPU “control panel”. Với hầu hết các video, thiết lập giá trị giảm nhiễu ở mức 25 - 30% là đủ.

    AMD cung cấp nhiều thông số để tinh chỉnh chất lượng hình ảnh tốt hơn. Hãng cũng thiết lập giá trị mặc định cho mỗi thông số nhưng bạn vẫn có thể thay đổi giá trị de-noise và mosquito noise reduction để khử nhiễu. Lưu ý việc khử nhiễu và kích hoạt chức năng độ tương phản động (dynamic contrast) có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng video. Bạn nên cân nhắc khi áp dụng các thiết lập việc trình chiếu video trực tuyến.

    Ngoài ra, những mẫu card đồ họa AMD còn được tích hợp một số công nghệ, tính năng hỗ trợ để cải thiện chất lượng hình ảnh của các video tải về hoặc do người dùng tự thực hiện. Chẳng hạn AMD Steady Video sử dụng các thuật toán để làm mịn những đoạn phim quay từ thiết bị cầm tay, bộ tăng tốc đồ họa giúp quá trình chuyển đổi định dạng video nhanh hơn hoặc tính năng chuyển định dạng .mp4  và chỉ hoạt động khi người dùng kéo thả đoạn video vào thiết bị di động.
  • Theo: lamsao.com

Hãy đến với Blog Bảo Mật(IT SECURTTY). Nơi học hỏi, chia sẽ, giải đáp, hỗ trợ, tư vấn, phòng tránh, phần mềm an toàn, thủ thuật tiện ích, thủ thuật máy tính,...